Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn thuộc Sở phụ trách công tác truyền thông dự thảo chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh các tỉnh khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào) được nghe đại diện lãnh đạo Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh lần lược triển khai các chuyên đề: Những vấn đề chung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và việc xác định dự thảo chính sách cần truyền thông; Tình hình triển khai thực hiện truyền thông dự thảo chính sách theo Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thời gian tới; Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách; Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phía Nam.

Truyền truyền thông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của Nhân dân, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu để “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp triển khai tại Hội nghị.

Truyền thông dự thảo chính sách là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế. Triển khai tại Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp lưu ý: “Quá trình tổ chức truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện thông qua 5 bước, cụ thể: Lựa chọn và xác định nội dung truyền thông dự thảo chính sách; Xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách; Xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách; Triển khai tố chức truyền thông dự thảo chính sách thông qua các hình thức phù hợp, đa dạng và hiệu quả; Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý đối với dự thảo chính sách”.

Ông Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận, đóng góp một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn.

Tiến sĩ Lưu Huyền Trang, Giảng viên Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh triển khai chuyên đề: Kỹ năng xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách.

Thông qua Hội nghị tập huấn giúp đại biểu có thêm thông tin, kỹ năng cần thiết để thực hiện hoạt động truyền thông chính sách và phổ biến pháp luật hiệu quả, đảm bảo yêu cầu truyền thông từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách sau khi được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách./.

Phú Toàn